là tổng hợp về “My Octopus Teacher” thuây, không có gì nhiều

Oh hi, I didn’t see you there 😀

Lâu lắm rồi Cony không có viết blog. Thời gian gần đây mình có thói quen xem nhiều phim tài liệu, và mình sẽ chăm chỉ hơn khoản Tổng hợp thông tin, hoặc review, hoặc bất kì tên gọi nào bạn muốn cho công việc này. Lý do đằng sau là:

  • Phim tài liệu là một thư viện các thông tin: Mỗi bộ phim tài liệu là một thư viện đồ sộ về Thông tin, gồm thông tin về bộ phim & kiến thức được đề cập. Hi vọng blog của mình có thể một nguồn thông tin thêm cho mọi người tham khảo trước/ sau khi dành thời gian cho một bộ phim tài liệu nào đó. Cony rất muốn tổng hợp kiến thức liên quan tới nội dung được đề cập trong phim. Tuy nhiên vì nguồn lực hạn chế, mình chỉ có khả năng thông hợp thông tin về bộ phim. Về kiến thức trong phim, các bạn xem xong nếu thấy hứng thú sẽ có thể đào sâu thêm để tìm hiểu;
  • Luyện kỹ năng tổng hợp thông tin và viết: lâu lắm không viết cái gì, cảm thấy kỹ năng bản thân bị thui chột đi nhiều… (hoặc trước giờ chưa có đê thui chột);
  • Công việc đòi hỏi: Tới đây Cony cũng có nhận một công việc điều phối các buổi chiếu phim tài liệu, nên Cony coi những bài viết sau này trên blog như một cách soạn bài… nhờ đó mình cũng tự tin hơn với công việc đã nhận.

Anyway, giờ vào việc thuôi. Hôm nay là về bộ phim tài liệu “My Octopus Teacher”, dịch ra là “Cô giáo bạch tuộc của tuôi”.

I. Thông tin bình thường chưa có gì bất ngờ lắm của phim

Đạo diễn: Pippa Ehrlich & James Reed

Công ty sản xuất & phát hành: Netflix    

Phát trên hệ thống Netflix: 07/09/2020

Thời lượng phim: 85’

Ngôn ngữ: Tiếng Anh

Giải thưởng: bộ phim dành được 8 đề cử cho giải thưởng Jackson Wild Media Awards và chiến thắng giải thưởng Phim hay nhất ở thể loại phim tài liệu (trị giá $ 5,000) của trang web Earthx (EarthxFilm Festival 2020 Award).

* Chú thích: Giải thưởng Jackson Wild Media Awards tương tự như Oscars nhằm tôn vinh sự xuất sắc và đổi mới trong cách kể chuyện tự nhiên, khoa học và bảo tồn.

Nội dung phim:

Vào năm 2010, nhà làm phim tài liệu người Nam Phi Craig Foster cảm thấy kiệt sức & bế tắc sáng tạo sau nhiều năm rong ruổi làm phim về thiên nhiên hoang dã. Với hy vọng nghỉ ngơi phục hồi, anh quyết định quay trở lại vùng bờ biển Tây Nam của Cape Town, Nam Phi. Sau nhiều năm quay phim với những người theo dấu San-Bushmen ở sa mạc Kalahari ở Botswana, Craig trở về ngôi nhà trong khu rừng tảo bẹ của mình và bắt đầu quy trình lặn hàng ngày trong khoảng thời gian nhiều năm – mà không cần bộ đồ lặn, tại một nơi có tên Mũi Bão. Và ở khu rừng dưới nước đầy ắp các loại sinh vật biển này, Foster đã gặp một người bạn đặc biệt: cô bạn bạch tuộc.

Craig đã ghi lại dưới góc quay của mình về cuộc sống của loài động vật này từ tập tính của loài bạch tuộc tới những kịch tính hàng ngày tạo nên cuộc sống của một sinh vật hoang dã. 

II. Ý kiến của mình về phim

Ti toe cho nhận xét cho bộ phim thì Cony rất khuyến khích mọi người hãy xem bộ phim vì bộ phim không hề hàn lâm như thể loại Tài liệu, trái lại rất dễ xem và giải trí. Mà thật ra giờ các phim Tài liệu cũng được làm theo hướng dễ xem, có giật gân, plot-twist lắm chứ đùa. Cony đã coi phim 4 lần, lần nào cũng xem trong tâm thế thưởng thức một bộ phim hay, hơn là chăm chú để ghi nhớ thông tin trong phim. Nói vậy không có nghĩa là phim ít kiến thức. Cũng khá nhiều điều mới về bạch tuộc với Cony sau khi xem xong bộ phim này.

Các cảnh quay dưới nước đẹp mê li. Trong suốt quá trình xem phim không biết đã bao lần mình phải thán phục việc lấy góc quay của quay phim và hay đặt câu hỏi “Ống kính nào được sử dụng để quay được cảnh này?”, bởi việc quay phim động vật trên cạn vốn đã không dễ dàng thì chuyện ở dưới nước quay được cảnh động vật còn khó hơn nhiều lần. Khi xem phim này mình thấy hình bóng bộ phim tài liệu “Chasing coral” (cũng là bộ phim rất đáng xem, đã được phát hành trên Netflix), không rõ 2 team làm phim có liên quan gì tới nhau không? Hoặc do cùng là phim về thế giới dưới nước nên mình thấy nhiều nét tương quan.

Phim “Chasing Coral” cũng có trên hệ thống Netflix

Bộ phim sẽ cho mọi người những thứ để bàn luận như việc kết nối lại với tự nhiên, mọi người ố á về loài bạch tuộc ra sao, việc quay phim- đặc biệt trong phim tài liệu phải tôn trọng thực tế và không xâm phạm vào tự nhiên như thế nào, mọi người sẽ không ăn bánh bánh tuộc hay sashimi nữa… uh kiểu vậy. Nên là phim này ổn nhé, chứ xem phim nào cuối giờ mọi người cứng họng không bàn luận được gì thì buồn lắm.

Chấm điểm thì 8.5/10, xem đi!

III. Thông tin có vẻ ú óa hơn về phim

Bộ phim được quay bởi nhà quay phim thiên nhiên hoang dã, Roger Horrocks, nhà quay phim cho 4/6 tập của bộ Blue Planet 2 và tập “Coastal Seas and High Seas” của series “Our planet”. Foster đã cho Roger Horrocks xem các thước phim của mình về cô bạn bạch tuộc. Thời điểm đó Roger đang tìm những câu chuyện mới cho series Blue Planet. Cả 2 sau đó đã kết hợp để theo dấu bạch tuộc và quay phim. Foster và Horrocks đã dành khoảng 75 ngày, tới 5 tiếng/ ngày để chờ đợi cho cảnh quay cô bạn bạch tuộc sử dụng kỹ thuật bảo vệ bản thân bằng các loại vỏ sò và đá trước các loài tấn công mình.

Craig Foster và nhà báo môi trường Pippa Ehrlich đã làm việc trong vài năm trước khi bộ phim được thực hiện. Đây là bộ phim đầu tiên của cô. Ehrlich đã từ bỏ công việc quay phim cá mập trên khắp thế giới để thực hiện My Octopus Teacher, mặc dù khi đó chưa có kinh phí thực hiện bộ phim.

Ehrlich cũng đã học cách lặn không có đồ bảo hộ và theo dấu các loài động vật dưới nước, dưới sự chỉ dẫn của Foster, trong quá trình làm bộ phim.

Bộ phim được quay từ năm 2010 và mất 10 năm để hoàn thành. “My Octopus Teacher” là phim tài liệu về thiên nhiên đầu tiên của Nam Phi được phát hành trên hệ thống Netflix.

Cô bạn bạch tuộc của Craig chỉ sống được 1 năm rưỡi, và ông đã chứng kiến 5 thế hệ của cô bạn bạch tuộc này được sinh ra và ra đi

Cape Town, Nam Phi, đất nước bộ phim ghi hình

Nam Phi là một trong những đất nước có rừng tảo bẹ lớn nhất trên thế giới. Rừng tảo bẹ Nam Phi đang hoạt động cực kỳ tốt do những cơn gió đông nam ở bờ biển phía tây, tạo ra những vùng nước mát giàu chất dinh dưỡng giúp rừng tảo bẹ phát triển mạnh mẽ.

Môi trường sống độc đáo cung cấp thức ăn cho sinh vật biển;

Nơi trú ẩn qua một số cơn bão khắc nghiệt nhất;

Đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn sức khỏe của các đại dương thông qua quá trình quang hợp và làm sạch nước xung quanh bằng cách loại bỏ chất thải do cư dân sinh ra;

Giúp giảm tác động của hiện tượng ấm lên toàn cầu.

Năm 2012, Foster đã thanh lập dự án phi lợi nhuận Sea Change, nhằm bảo vệ sinh vật biển bằng cách nâng cao nhận thức về tầm quan trọng sinh thái của rừng tảo bẹ Nam Phi. Dự án bao gồm các hoạt động như Chiếu phim, Bán sách “Sea change” (100% số tiền thu được từ việc bán sách sẽ được dùng để ủng hộ rừng tảo bẹ thông qua Dự án Sea change), nghiên cứu các rừng tảo bẹ và các loài động vật, các buổi triển lãm và chương trình giáo dục.

Mọi người có thể theo dõi thêm về quá trình làm phim qua đoạn phỏng vấn đạo diễn Pippa Ehrlich

Còn đây là đoạn phỏng vấn vợ của Craig Foster là chị Swati, một phóng viên môi trường, về rừng tảo bẹ và góc nhìn của chị ấy về mối liên kết giữa Foster và người bạn bạch tuộc

*Bài tổng hợp từ rất nhiều nguồn gồm Wikipedia, các link dẫn mục reference của Wikipedia, Youtube… vì quá lười nên tui đành chấp nhận bị đánh plagiarism. Mà wordpress độ này có cái giao diện mới lúc viết lách nên hơi khó sử dụng, tui đang làm quen dần sau này sẽ cải thiện về lối trình bày.

Leave a comment