Breakfast at Tiffany’s: Vẫn là Audrey Hepburn quá đẹp

Oh hi! I didn’t see you there

Cony vừa được xem bộ phim Breakfast at Tiffany’s. Nói tới đây mọi người cũng đã biết đó là bộ phim nào rồi, nổi tiếng nhất với hình ảnh Audrey Hepburn mặc bộ váy dài màu đen, đeo chuỗi ngọc chai và cầm cái tẩu thuốc dài ấy. Mình xem phim với một tâm thế rất háo hức vì trước đó đã rất thích Audrey trong bộ phim Roman Holiday, và vì đây là bộ phim mang tính biểu tượng điện ảnh nên…sau khi xem xong mình có phần hụt hẫng, không phải ít đâu, cũng nhiều đấy. Nhưng không phải tất cả mọi điều ở bộ phim đều tệ với mình, vẫn còn nhiều điểm sáng.

636458204475933865-HEPBURN-S-1-1-2NJPF7Q1

Nội dung

Theo Wikipedia, các bạn có thể search để đọc: Breakfast at Tiffany’s (1961) kể về Holly Golighly (do Audrey Hepburn thủ vai), một thiếu nữ xinh đẹp và duyên dáng khao khát thoát khỏi cuộc sống thôn quê nghèo khó miền Texas để nhập vào chốn thị thành phồn hoa đô hội ở New York. Holly kiếm tiền bằng cách làm người đưa tin cho tù nhân tên là Sally Tomato trong nhà tù Sing Sing hàng tuần. Cô tổ chức những bữa tiệc thâu đêm trong căn hộ của mình để được hòa nhập vào xã hội quý tộc. Cuộc sống cứ thế trôi qua cho đến một ngày, một người lạ mặt xuất hiện ở căn hộ tầng dưới. Đó là Paul Varjak (do George Peppard), một văn sĩ trẻ. Anh mê viết văn, nhưng lại không thể sống được bằng ngòi bút mà phải làm “trai bao” cho một quý bà mà anh gọi là 2E. Như tìm được sự đồng điệu, hai người nảy sinh tình cảm gắn bó…

Bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên. Phim giành được 5 đề cử Oscar và đoạt 2 giải cho nhạc phim và ca khúc phim hay nhất với Moon River

Breakfast-at-Tiffany-s-Cast-breakfast-at-tiffanys-23180207-1461-1800
Hai nhân vật chính Paul và Holly

Vài khía cạnh mình thấy rất thích ở bộ phim

  1. Thời trang trong phim

Sau khi xem xong bộ phim, Cony hoàn toàn hiểu được lý do vì sao bộ phim lại được coi là biểu tượng của thời trang.

Tạo hình của nhân vật Holly được đầu tư hơn hẳn so với các nhân vật còn lại trong phim. Các nhân vật nữ khác rất mờ nhạt, đặc biệt trong phân cảnh bữa tiệc, không một nhân vật nào có thể qua được Holly- chơi lớn với tẩu thuốc lá dài bất tận. Holly luôn xuất hiện với những trang phục cực kì nữ tính, yểu điệu như váy dài chấm gót (bộ váy đen khi Holly mặc đứng trước cửa hàng Tiffany), găng tay dài, áo măng tô phối cùng khăn trùm đầu quanh cổ, chiếc mũ rộng vành quấn khăn dài lượt thượt cùng mắt kính to bản… Mình nhận ra những bộ đồ Holly mặc hầu như là những màu cơ bản và một màu (đen, trắng, ghi)- rất TỐI GIẢNTHANH LỊCH, hiếm lắm thì có chiếc đầm cocktail màu hồng lóng lánh xúng xính khi dự tiệc. Những bộ đồ Holly bận thời đó hoàn toàn có thể mặc ở thời bây giờ, điều đó cho thấy áo quần càng tối giản thì xài càng được lâu và thích ứng được với nhiều hoàn cảnh.

breakfast-at-tiffany-style-06
Bộ váy màu hồng duy nhất của Holly

Lối sống tối giản chưa bao giờ sai haha.

  1. Diễn xuất của Audrey Hepburn

Như đã nói trước đó, Cony thích Audrey vì cổ quá đẹp trong Roman Holiday làm mình nhớ mãi. Nhưng ở Roman Holiday, Audrey xuất hiện trong vai một cô công chúa đúng nghĩa, còn trẻ trung phơi phới và tinh nghịch thì trong Breakfast at Tiffany’s, Audrey xuất hiện với hình ảnh cô gái lẳng lơ tinh quái nhưng lại rất ngây thơ.

Nhân vật Holly vốn là một nhân vật phức tạp bởi cô ấy có một quá khứ có thể rất tệ và một cuộc sống ở New York theo cách rất bừa bộn, không có trật tự (vali đồ dùng không được bỏ ra, giầy vất ở mọi nơi). Nhưng khi ra đường lại luôn chỉn chu, đài các. Holly luôn có suy nghĩ rất ngây thơ về một cuộc sống trong mơ với những gã nhiều tiền nhưng cách làm của cô thì không phải ai cũng nghĩ tới và có thể từng bước thực hiện được như cô.

Breakfast-at-Tiffany-s-Audrey-Hepburn-and-George-Peppard-breakfast-at-tiffanys-19840716-555-379

Với tính cách, lời nói và hành động đối lập của Holly, Audrey đã khắc họa được một nhân vật nhìn thì đơn giản trong suy nghĩ nhưng lại không hề giản đơn trong hành động. Cony cá rằng không phải ai cũng có thể diễn toát lên được cái nữ tính và thần thái sang chảnh như Audrey. Trời phú cho Audrey đôi mắt mở to, rất phù hợp để diễn nhân vật Holly lúng liếng đưa tình hay khi Holly đầu quấn khăn, mặc quần jean và lơ đãng cầm đàn hát Moon River ôi sao mà yểu điệu và lãng mạn trong đôi mắt ấy. Có một sự thật là nhân vật Holly trước đây từng được tác giả của tiểu thuyết nhắm cho Marilyn Monroe. Ngẫm nghĩ thật ra Marilyn mà đóng Holly thì cũng sẽ rất thú vị ấy, nhưng sự ngây thơ trong trẻo như Audrey thì có lẽ khó đạt được.

unnamed

Đặc biệt, mình để ý lời thoại nhân vật của mấy phim Hollywood hồi xưa thường câu cú vừa dài vừa dùng nhiều từ “tinh hoa”, lời nói nhân vật thì liến thoắng, nghe không kịp. Điều này thì mình rất phục các diễn viên, chứ không chỉ Audrey, vì phải nhớ lời thoại.

Vài khía cạnh mình thấy rất không thích ở bộ phim

  1. Nhân vật Holly và nhiều điều chưa giải thích được về thân phận

Holly là nhân vật đầy bí ẩn và cái sự bí ẩn làm cho Cony cảm thấy rất không ưng vì không có lời giải trong suốt cả phim. Không ai biết được trước kia Holly là ai? người anh trai Fred là ai mà cô ấy lại ngưỡng mộ và sẵn sàng gọi anh nhà văn Paul là Fred ngay khi mới gặp mặt? người chồng trước đó có thực sự là đã cưới Holly? Holly trước đó có đúng là Holly?

Nhân vật Holly được khắc họa đẹp đẽ bên ngoài nhưng lối sống lại lôi thôi. Nhìn cách cô ấy mặc cái váy, đeo găng tay mà lại cầm miếng bánh và cốc cà phê xem. Miếng bánh thì mỡ và cốc cà phê hoàn toàn có thể làm hỏng chiếc váy chứ, ngay từ đầu phim Cony đã bị “râm ran” trong người vì cảnh đó.

review-phim-Breakfast-at-Tiffanys-3

Rồi bộ phim làm mình nhăn mặt suy nghĩ khi nhìn một nhân vật nữ không tiền lại có thể sống trong một căn hộ ở New York? Số tiền Holly kiếm được nhiều tới cỡ nào để ăn vận nhìn mê mệt như vậy hay nuôi một con mèo hoang không tên… liệu số tiền ấy cô có đủ ăn không chứ đừng nói trả tiền nhà? Ngay cả việc Holly vốn là một cô gái tiệc tùng thâu đêm với lối sống bừa bãi… thì khi tìm thấy đối tượng, Holly lại rất đầu tư bản thân như học tiếng Bồ Đào Nha, học đan lát nấu ăn, tới thư viện đọc sách tìm hiểu… những hoạt động vô cùng hiếm thấy và hơi phi lý?

  1. Nhân vật Paul cứ như Ngạn

Paul được tạo hình bóng loáng, chỉn chu với vest, quần âu, giầy tây đúng thời trang chuẩn mực. Paul là nhà văn và có tiểu thuyết được xuất bản. Paul yêu mến Holly và không ngừng làm mọi việc để chứng minh tình cảm của mình. Trong suốt bộ phim, Cony chỉ thấy Paul chẳng khác gì nhân vật Ngạn- cũng yêu một người và kề vai sát cánh bên người đó.

Breakfast-at-Tiffany-s-Cast-breakfast-at-tiffanys-23180264-789-1000
Nhân vật Paul nhìn siêu sáng lán

Thật ra, ở ngoài đời mà có một người sẵn lòng làm mọi việc như Paul, lại cắn răng nhìn người mình yêu lẽo đẽo theo người khác thì chắc… không có. Chẳng ai muốn làm cây si lại hoài công như vậy (chỉ có Ngạn thôi). Cũng may cuối phim nhân vật Paul cũng mạnh dạn nói lên được điều mình muốn nói về lối sống của Holly, thể hiện sự bực tức và quyết ra đi (khoảng mấy giây sau của phim lại quay về).

  1. Cái kết rất Hollywood và tương lai nhân vật còn bỏ ngỏ

Cony có đọc ở một số trang tin tức, rằng cuốn tiểu thuyết không có kết thúc có hậu như trên phim. Và đúng thật, cuối phim cảnh Holly chạy dưới mưa để tìm chú mèo rồi sau đó hôn Paul là một cảnh siêu siêu khiên cưỡng (tất nhiên vì là phim Hollywood nên vẫn khá khẩm chứ không sến rện). Từ một Holly đã quen với lối sống phóng túng, chỉ vì vài lời của chàng Paul- một người cô nàng chưa bao giờ cho vào mục tiêu, lại sẵn sàng lội đường mưa để hôn chàng.

Và phim kết thúc với cảnh hai nhân vật hôn nhau nhưng chẳng ai dám mơ tưởng về một tương lai tươi sáng được khi Paul vẫn là một nhà văn nghèo và Holly nếu yêu Paul thì coi như “công việc” từ trước tới nay của cô nàng chấm dứt. Rồi tiền đâu để sống ở New York hỡi hai trái tim vàng?

Breakfast-at-Tiffany-s-Cast-breakfast-at-tiffanys-23180028-1600-1278

  1. Con mèo bị đối xử tệ quá

Cảnh Holly phát điên vì nghe tin Fred chết -> mèo bị ném veo một cái lên tường

Cảnh Holly trong xe với Paul -> mèo bị thả khỏi taxi và dầm mưa

Cảnh Holly hôn Paul dưới mưa -> mèo bị hai con người này ép chặt

Khổ thân em mèo. Không biết PETA sau phim này có lên tiếng không. Bạo hành quá trời.

e62d1640c26a0f148369674a4870e40a

  1. Nhân vật ông chủ nhà Châu Á

Một nhân vật Cony thấy siêu thừa thãi trong phim là nhân vật ông chủ nhà Yunioshi (do Mickey Rooney thủ vai). Đây đúng là nhân vật được xây dựng để tấu hài nhưng cái hài rất nham nhở và không gây được thiện cảm. Yunioshi là một ông chủ nhà Châu Á được tạo hình khá là…không được đẹp với hàm răng hơi thừa lợi cùng khuôn mặt luôn cau có, tóc tai bù xù và luôn bị Holly phá bĩnh khi cố gắng thư giãn. Cony không thực sự hiểu dụng ý của đạo diễn khi cho nhân vật này vào, nếu bỏ nhân vật này đi thì phim không hề bị tác động nào. Vậy nên mình có suy nghĩ hơi tiêu cực một chút là nhân vật này được xây dựng để châm biếm người Châu Á. Có một cái cũng hơi nực cười là đến diễn viên Mickey Rooney còn chẳng phải người Châu Á nữa… bó tay

mr-yunioshi-1

Túm cái váy lại, Cony có khuyên mọi người xem bộ phim này không? , rất nên xem là đằng khác để nhìn Audrey Hepburn và hiểu vì sao bộ phim là một dấu mốc của thời trang. Nhưng đừng quá kì vọng nội dung và để “biểu tượng điện ảnh” ám thị rằng phim này rất hay. Nội dung cũng phình phường thôi. Thi thoảng xem lại cho vui cũng được. Bài hát chính của bộ phim Moon River lại rất hay, giàu tính hình ảnh, giai điệu buồn man mác lại lê thê lười biếng, rất thích hợp để nghe khi nằm trên giường hoặc khi nhìn ra cửa sổ mơ màng.

One thought on “Breakfast at Tiffany’s: Vẫn là Audrey Hepburn quá đẹp

Leave a comment