The moneyless man: A year of Freeconomic living

Chào mọi người. Lâu quá rồi mới lách cách viết blog. 1 tuần trở lại đây Cony vừa mới đọc xong một cuốn sách có tên là “Sống không cần tiền” (Tên tiếng anh là The moneyless man: A year of Freeconomic living) của tác giả Mark Boyle. Và vì cuốn sách có nội dung siêu siêu xịn nên mình đang rất háo hức và không thể không review cho mọi người được.

Lý do Cony quyết định đọc cuốn sách này

  • Mình đã bị “u mê” bởi quyển “Homo Sapiens Lược sử loài người” quá lâu và mình nhất thiết phải thoát ra khỏi sự u mê đó. Thề là quyển Homo Sapiens đọc khó kinh khủng và mình rất chán ghét phải tự ép bản thân cố công đọc cho hết. Cuối cùng là vẫn không thể đọc hết phải bỏ giữa chừng.
  • Vì Cony là một đứa sống theo chủ nghĩa tối giản và tên quyển sách này nổi bật lên giữa hằng ha vô số các cuốn sách về Lối sống tối giản-thiên về quan điểm và lời khuyên hay hướng dẫn sống tối giản.
  • Vì quyển sách do nhà xuất bản Đại học Kinh tế Quốc dân phát hành và Cony là sinh viên học tại trường Kinh tế Quốc dân thì không có lý do gì không ủng hộ đúng không nào?
  • Vì tác giả là người Ireland và đang sinh sống tại Anh mà Cony thì cực fancy về văn hóa Anh Quốc thế nên là phải mua, phải ủng hộ.

Processed with VSCO with t1 preset

Tóm tắt qua nội dung

Cuốn sách này là nhật ký của anh Mark Boyle, người sáng lập phong trào Freeconomy toàn cầu. Mark quyết định sống thử nghiệm một năm không cần tiền và chia sẻ trải nghiệm của mình bởi theo anh, khởi nguyên tiền là một ý tưởng tuyệt vời nhưng nó đã biến tướng, quay lại bắt loài người phục dịch nó, khiến ta mất kết nối với mọi người, mọi vật và trở thành một quái vật chỉ biết tiêu thụ.

Suy nghĩ về cuốn sách

Cách truyền tải nội dung cuốn sách này theo mình thấy khá giống với cuốn “Cuộc cách mạng một cọng rơm” của tác giả Mansanobu Fukuok người Nhật, đều là một cuốn Nhật ký và là cuốn cẩm nang cho những người mới muốn trải nghiệm như tác giả, mà ở đây là trải nghiệm lối sống không tiền. Xuyên suốt cuốn sách là những hành động của tác giả được ghi chép lại hàng ngày, những suy nghĩ của tác giả về mối liên quan giữa tiền-môi trường-mối quan hệ giữa người với người. Một chi tiết Cony rất thích ở cuốn sách này là việc anh Mark còn đưa thêm những fun facts khoa học, góc nhìn khách quan của bản thân về vấn đề môi trường, và cách tự tạo các vật dụng trong đời sống hàng ngày khi không sử dụng đến tiền (ví dụ, làm một chiếc bếp hỏa tiễn hay vòi hoa sen). Và bởi vì có nhiều thông tin nên quyển sách này được mình đánh dấu trang, highlight, take note siêu nhiều vì thông tin nào cũng hay và đáng ghi nhớ.

Ban đầu mình nghĩ cuốn sách này sẽ thiên về Lối sống tối giản (do được giới thiệu trên group “Lối sống tối giản-minimalism lifestyle” nên mình mặc định như vậy) và khá khó đọc do thiên hướng kinh tế. Nhưng trái với những gì mình nghĩ, cuốn sách này cực cực dễ đọc, lại bàn nhiều vấn đề môi trường hơn là về phong cách sống tối giản. Và vì bị dư chấn từ cuốn Homo Sapiens mà khi đọc được một cuốn sách dễ hiểu như “Sống không cần tiền” Cony đã rất rất háo hức và đọc hết veo trong một tuần. Mình rất phục ban biên tập cuốn sách này vì có những khái niệm mới theo tiếng nước ngoài và không phổ cập ở Việt Nam thì các bạn ấy đã dịch sang tiếng việt với tên gọi, theo mình đánh giá là, rất phù hợp và nghe cực thuận tai. Ví dụ từ “Freeganism” được dịch là “Chủ nghĩa tùy thực”, ghép giữa “Tùy” (tùy theo) và “Thực” (ăn), là chủ trương hạn chế phụ thuộc vào nền kinh tế truyền thống, hạn chế tiêu dùng, bằng cách tận dụng những sản phẩm đã bị thải bỏ.

Có nhiều đoạn tác giả tự phản biện bản thân, Cony cảm giác anh này rất thấu hiểu và thông cảm cho những người có quan điểm hơi khác với số đông hung hãn một chút. Ví dụ nhé, có đoạn anh viết về nhà kính để trồng rau thế này: “Ở nông trại này, chỗ sát bờ sông có một dãy nhà ống nhựa, loại nhà kính lớn, giá rẻ dùng để trồng các loại thực phẩm cần khí hậu ấm hơn so tiết trời ở Anh. Tôi có cảm xúc lẫn lộn về thứ nhà ống nhựa này. Chúng được làm từ nhựa, nghĩa là có liên quan đến năng lượng, ô nhiễm và những hậu quả kéo theo. Thế nhưng chúng lại cho phép ta trồng thực phẩm quanh năm, tức là chúng ta không phải nhập khẩu nhiều, do đó mà sử dụng ít nhiên liệu hóa thạch hơn. Không có chúng, việc cung cấp thực phẩm cho hơn 60 triệu dân Anh quanh năm sẽ trở nên phi thực tế, ít nhất là trong ngắn hạn”. Đấy bạn thấy không, con người có quan điểm rất rõ ràng!!!!

Nói chung cuốn sách là một hành trình khá thú vị của anh Mark và Cony thấy trong suốt hành trình này, nếu không nói là anh này may mắn (theo quan điểm của mình), thì anh này đúng kiểu lan tỏa việc tốt thì cũng được nhiều người giúp đỡ. Nội dung có thể sẽ hơi controversial đối với những người học Kinh tế học chắc sẽ đặt câu hỏi liệu rằng lối sống không tiền này hoặc việc sử dụng một đồng tiền riêng cho cộng đồng nhỏ có ảnh hưởng tới nền kinh tế không? Nhưng đối với mình, cuốn sách thành công là cuốn sách khiến người đọc nghiền ngẫm và trao đổi. Vậy nên mình rất khuyến khích mọi người hãy tìm đọc cuốn này và sắp tới đây mình sẽ đọc cuốn thứ 2 Sống Không Cần Tiền: Bài Học Của Vua Midas và hi vọng có thể lại review tiếp cho mọi người.

Một số quote rất hay

“Tôi cho rằng việc gì cũng cần có thời gian nhưng ngay bây giờ chúng ta phải gieo càng nhiều hạt giống càng tốt nếu muốn con cháu mình được hưởng những quả lành. Bạn không thể chỉ vì không sống kịp đến lúc hưởng bóng mát của cây sồi mà lại không giao một hạt đấu”.

“Những người sống không tiền cũng muốn được yêu kia mà!”

“Cuống sống luôn đầy những tình huống lưỡng nan như vậy, và tất cả những gì chúng ta có thể làm là chọn khả năng tốt nhất, nhất quyết đi theo nó và chất vấn tính hợp lý của nó hằng ngày”.

“Tổ chức cứu tế sức khỏe tâm thần hàng đầu của Anh Quốc cho biết 25% dân số bị trầm cảm ngay sau Giáng sinh, hầu hết là do thâm hụt tài chính”.

“Chúng ta đang phải đốt đến bốn thùng dầu để khai thác được một thùng mới, tức là đang tiến rất nhanh đến kịch bản cạn kiệt ấy”.

“Tiền-thứ hàng hóa quý giá nhất của chúng ta-lại không đại diện cho bất cứ giá trị nào; các con số trong tài khoản ngân hàng của bạn hầu hết đều là món nợ của những người khác, và bản thân số nợ đó cũng được gián tiếp chi từ món nợ của những người khác nữa”.

 

 

Leave a comment